Khi tôi nói với sếp chuyện mình đi phỏng vấn?
December 14, 2020Chuyện đi phỏng vấn ở công ty khác khi còn làm việc ở công ty hiện tại vốn là một điều đã tế nhị, mà bạn còn tâm sự với sếp nữa thì còn khó hơn nhiều.
Hỏi rằng có ai như tôi không!
Trường hợp thứ nhất, sếp thay đổi thái độ, cho mình vào tẩm cung, à lộn lãnh cung, rồi tìm người thay thế.
Trường hợp thứ hai, sếp sợ mất mình, chèo kéo mình ở lại, lý tưởng là tăng lương để giữ chân mình.
Trường hợp thứ ba, sếp sẽ ngồi lại với mình, phân tích điểm lợi điểm hại, nghe lý do mình muốn nhảy việc, lý do mình đi phỏng vấn, mong muốn và hướng đi của mình sắp tới như nào, từ đó cho mình những lời khuyên và cuối cùng là tôn trọng quyết định của mình.
Thật sự, thật sự bạn có dám kể với xếp chuyện mình đi phỏng vấn không?
Và nếu bạn là “xếP” thì bạn sẽ xử lý ở trường hợp nào trong 3 trường hợp trên.
Ai đọc qua cũng nhận ra là trường hợp thứ 3 là một trường hợp xử lý tốt nhất. Với mình, mình cũng đã từng chứng kiến một người chị với cách xử lý trường hợp thứ 3 này rất rất tâm lý rồi. Cách này giúp cho nhân viên của mình dù có ra đi cũng luôn có một sự trân trọng và quý mến đối với sếp, trái đất tròn mà, biết đâu sẽ có một ngày họ lại trở về với mình. Hơn nữa, con đường mỗi người khác nhau, dù sao chúng ta cũng cùng đi chung một chặng đường nào đó, dù ngắn hay dài thì đó cũng là một sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Đáng quý!
Trở lại câu hỏi bên trên với vị trí của mình khi là một người đi phỏng vấn. Thật sự phỏng vấn với mình không phải là chỉ có nhảy việc mới là phải đi phỏng vấn, đó có thể là kiểm tra kiến thức, đó cũng có thể là xem biển lớn ngoài kia ta đang ở đâu, hay cũng có thể chẳng vì một lý do nào cả mà chỉ là thích thì đi phỏng vấn thôi @@
Ừ thì sếp cũng có người này người kia, chẳng ai lại muốn anh em của mình nghỉ cả, nhưng duy cho cùng thì họ cũng là cấp trên của mình, mình nên cân nhắc.
Nếu sếp của bạn là người hoà đồng, tâm lý thì nên chia sẻ, biết đâu họ lại cho mình những lời khuyên bổ ích thì sao.
Nếu sếp bạn là người hay để bụng, thì thôi mình cũng chẳng đề cập làm gì, lắm khi đó lại là một vết đen của bạn. Rồi một ngày bạn lúc nào cũng mang một cái mác, thằng này làm vì tiền, lúc nào cũng chực chờ nhảy việc.
Nói thế thôi, mình cũng không phải là người không có tính cam kết lâu dài (Nhìn CV mình là biết mình nhảy việc rất ít). Với bản thân mình, nói hay như viết blog như thế này, chắc chắn là sếp sẽ đọc được rồi. Nhưng mà đâu có sao, cuộc sống này là của mình mà, sự nghiệp này cũng nằm trong tay mình mà, chỉ sợ rằng mình không có khả năng, không có thực lực thật sự mà thôi. Thứ nữa là những người mình kết giao, sếp hay đồng nghiệp cũng rất tâm lý và hiểu tính mình, nên mỗi lần đi phỏng vấn như này thì mình cũng chia sẻ thôi.
Dù sao mình tin họ là một người sếp trong trường hợp thứ 3, và mình cũng nghĩ rằng, với niềm tin mà mình tạo dựng được ở mọi nơi mọi chỗ từ trước đến giờ thì chuyện công việc không còn là vấn đề nữa.
# Chuyện này nói nhỏ thôi nhé @@
—
P/s: Có lẽ đây là một chủ đề khá là tế nhị và có lẽ mình sẽ nhận được không ít gạch đã với những bài viết về chủ đề này gần đây. Nhưng không sao, mình chấp nhận, và mình tin ở đâu đó ngoài kia vẫn có những người dám nói ra những suy nghĩ của bản thân về những vấn đề thế này.
[…] Và rồi mình lại ngứa tay lên viết tiếp bài viết tâm sự sau những loạt bài gây tranh cãi ngày xưa của mình. “Câu chuyện phỏng vấn định kỳ” và “Khi tôi nói với sếp chuyện mình đi phỏng vấn?“ […]