Hỏi sao cho đúng, học sao cho hay

Hỏi sao cho đúng, học sao cho hay

May 20, 2023 0 By Ntech Developers

Phải nói là đã khá lâu rồi mình không lên bài rồi, một phần là do khá bận một phần là do ngày càng lười đi. Thời gian vừa rồi mình cũng đảm nhận khá là nhiều đầu việc mới dường như nó chính là những skill mà mình đang cần và muốn cải thiện nó với career path của bản thân. Từ những đầu việc này mình có một số ghi chú lại cho bản thân mình như những bài viết trước đây!

Bắt đầu với một câu nói mà mình đọc được ở đâu đó trên bài viết của IT Việc

“Tỏ ra ngu ngốc bằng cách hỏi những câu hỏi đơn giản, con nít nhất và bạn sẽ tìm được nguồn gốc vấn đề.”

Câu “Tỏ ra ngu ngốc” khiến mình bật cười vì ơ mình ngu thật mà, đâu có tỏ ra đâu. Nhưng điều đầu tiên mình thấy để có thể lấy được nhiều nhất kiến thức có thể thông qua việc hỏi thì đó là hạ cái tôi xuống và giữa cho cái đầu luôn ở trạng thái mở.

Có thể bạn đã đọc nghe hay xem ở đâu đó nói về vấn đề tư duy mở để học hỏi kiến thức mới, và những điều mình đề cập ở đây sẽ có phần cũ mèm. Không sao cả, mình sẽ thu hẹp phạm vi cho đúng chuyên ngành mà mình đang làm việc, đó là lập trình và cũng nhân tiện nhiều có thể giúp được những bạn thực tập sinh hay thậm chí cả những bạn lập trình viên lâu năm ở đâu đó ngoài kia hiểu được phần nào cách đặt câu hỏi sao cho đỡ khiến đối phương khó chịu nhất.

Với ngành lập trình, kiến thức luôn thay đổi, không ai là có thể biết hết được các kiến thức cho dù nó đã được thu hẹp thành một ngách rất nhỏ như backend , frontend, devops,… Bởi vậy bạn hãy suy nghỉ dù bạn có là một thực tập sinh thì bạn cũng phải hỏi, mà bạn là một người lão làng đi chăng nữa thì bạn cũng phải đi hỏi mà thôi. 

Biết rằng kỹ năng google hay tìm kiếm tài liệu của bạn có ở mức thượng thừa thì đó cũng được coi là một hình thức hỏi. Chỉ khác là bạn đang hỏi một người trước mắt như thầy cô giáo, anh chị tiền bối đi trước thì bạn hỏi thông qua những người tạo dữ liệu đâu đó ngoài kia mà thôi.

Vấn đề mình muốn nói ở đây là khi bạn hỏi một con người thật trước mắt, hãy cố gắng để ý thái độ của họ trước khi bạn muốn nhận được bất thứ kiến thức gì. 

Đối với bản thân mình, mình đã từng làm phật lòng mất bao nhiêu người vì những cách hỏi, cách đặt vấn đề rất dở hơi khiến họ tức giận và kết quả mình cũng chẳng nhận lại được gì sau những câu hỏi đó rồi.

Dưới đây thì mình xin phép chia sẻ một số cách mà mình đã và đang khắc phục dần.

Đầu tiên là có chủ ngữ, mình đã được một anh đi trước góp ý rằng mình thường rất hay bỏ quên chủ ngữ trong quá trình hỏi, đôi khi người đối diện không để ý câu từ của bạn nhưng nếu mà đặt chủ ngữ và những từ kính ngữ nếu hỏi người lớn tuổi hơn thì sẽ giúp cho đối phương ít nhất biết được bạn đang hỏi ai và chú ý đến câu nói tiếp theo của bạn. Nhiều trường hợp mình bị hỏi ngược lại em đang muốn hỏi ai vậy hay chỉ hỏi vu vơ trong nhóm người ai muốn trả lời thì trả lời.

Câu hỏi đóng, nhiều bài viết ngoài kia hay cho rẳng những câu hỏi đóng là xấu là không biết tiếp tục câu chuyện như thế nào. Tuy nhiên, mình thường dùng những dạng câu hỏi này cho những mục định cần xác nhận (confirm) thông tin nào đó. Tức là khi dùng những câu hỏi dạng này trong công việc mình đã xác định rõ những thông tin ban đầu, cả tổng quan lẫn chi tiết, hay những ý hiểu và kiến thức của bản thân, diễn giải và làm rõ ngữ cảnh các thứ xong xuôi hết rồi thì mới đưa ra những câu hỏi kiểu này. Mục đích là xác nhận đúng sai và nhận được thông tin có hoặc không của đối phương. 

Câu hỏi mở (trong tiếng anh là dạng câu hỏi WH – Why, how, where, when…) cái này thì đa dạng hơn nhiều. Mình có đang đọc một cuốn sách hãy bắt đầu bằng những câu hỏi tại sao, nó được nêu một số tip để đặt câu hỏi dù bạn đang là một thực tập sinh hay là một nhà lãnh đạo cấp cao đi chăng nữa thì cách hỏi của bạn sẽ tác động trực tiếp đến cảm xúc của đối phương.Mình có thể chia thành một số trường hợp khi hỏi như sau:

Trường hợp không biết hỏi từ đâu và không biết hỏi gì

Trường hợp này thì khá là dễ, chỉ việc nói chính xác chủ đề bạn muốn hỏi và mục đích xin họ từ khóa để bạn có thể về tìm hiểu và nghiên cứu. Hoặc bạn có thể xin lộ trình hay những nguồn nào mà bạn có thể tìm hiểu và bắt đầu từ đâu.

Trường hợp câu hỏi ngắn

Khi trong cuộc họp ngắn hay khi bạn biết đối phương đang rất bận và cần hỏi nhanh để không ảnh hưởng đến đối phương và bạn cũng lấy thông tin một cách nhiều nhất có thể và trong thời gian ngắn nhất. 

– Nếu đang trong cuộc họp thì bạn phải là chú ý nghe, nghe để biết được ngữ cảnh, nghe để biết được mọi người đang nói chuyện gì, có nghe được, nghe đúng thì bạn mới có thể hiểu đúng và hỏi đúng được. Hỏi thì hỏi đúng trọng tâm và nhận từ khóa là chính rồi tổng hợp và nghiên cứu thêm sau cuộc họp. Nếu bạn không chịu lắng nghe và hỏi thiên tha liên thiên, ngắt lời đối phương trong cuộc họp thì rất có thể bạn sẽ được đánh giá một sao trong mắt mọi người nhé.

– Nếu bạn hỏi một ai đó mà quỹ thời gian của họ có hạn thì bạn phải nghiên cứu trước khi đặt câu hỏi, có những thức đơn giản họ trả lời được mà đối phương không có nhiều thời gian họ sẽ cáu gắt. Việc nghiên cứu thì không khó khăn đâu, bạn hãy cố gắng đọc tài liệu, tra cứu trên Internet hoặc tham khảo các nguồn thông tin liên quan để có cái nhìn tổng quan về vấn đề và tóm tắt chúng trước khi hỏi. Sau đó thì trình bày rõ ràng ngữ cảnh bạn đã tìm hiểu đến đâu, đang vướng mắc chỗ nào, để đối phương có thể tiếp nhận thông tin và trả lời cho bạn trong thời gian ngắn nhất mà bạn cũng nhận được chính xác mảnh vá còn thiếu khi đang nghiên cứu vấn đề đó

Trường hợp câu hỏi dài hay cần trao đổi phân tích

Để hỏi được những thông tin kiến thức cho những trường hợp này thì bạn nên xác định rõ đối phương có đủ thời gian nghe bạn trình bày. Bạn có thể đặt lịch hay hỏi trước thời gian rảnh của đối phương khi làm phiền việc hỏi này. Tuy rằng biết thời gian hỏi đáp này dài nhưng bạn cũng nên xác định rõ ràng timebox trước, chứ không thể bắt đối phương dành cả ngày cho bạn được.Vẫn là khâu chuẩn bị, hãy cố gắng nêu rõ ngữ cảnh và vấn đề bạn gặp phải trước khi hỏi và xin những câu trả lời xây dựng và phân tích. 

Nếu có thể thì hãy tóm tắt những thứ bạn đã đọc hay có thể gửi trước những nguồn tài nguyên cho vấn đề của bạn một cách chọn lọc. Đối phương nếu định hình được ngữ cảnh mà vấn đề bạn gặp phải sẽ dễ dàng tiếp cận và đưa ra câu trả lời sát nhất với điều bạn muốn học được. 

Khi bạn đã trình bày xong ngữ cảnh và mục đích câu hỏi rồi thì có thể từ từ trình bày câu hỏi của bạn. Chú ý rằng bạn phải thật chú ý nghe câu trả lời và tiếp nhận thông tin từ từ rồi ghi chú lại trước khi hỏi câu tiếp theo. Đừng để họ trả lời mà bạn không chú ý hay tai nọ xọ sang tai kia hoặc không có ghi lại vào đâu rồi hôm sau hỏi lại thì đừng nghĩ có lần hỏi thứ hai nhé.

Tất nhiên là còn nhiều trường hợp nữa nhưng mà trên đây là mấy trường hợp mà mình đã gặp phải và cách làm việc của cá nhân mình. Nếu bạn có trường hợp nào nữa thì có thể comment cho mình nhé.

Cách hỏi là một chuyện, còn một vấn đề nữa mà mình muốn lưu ý là thái độ hỏi. Ai ai cũng khó chịu khi người hỏi không có một tinh thần xây dựng. Mình cũng từng gặp một vài trường hợp hỏi cùn, hỏi mà chưa bao giờ được hỏi và muốn dí chết người trả lời chỉ để chứng minh một điều là đối phương chẳng biết cái gì, mình có kiến thức, mình biết điều đó rồi nhưng mà mình hỏi chơi để hạ thấp họ xuống và đẩy mình lên thông qua câu hỏi kiểu họ không biết để mình tự trả lời. Thật khó chịu làm sao, với những kiểu người đó mình sẽ không có lần thứ 2 tiếp xúc chứ đừng nói là trao đổi thông tin kiến thức.

Một điều nữa mà trong ngành lập trình này hay mắc phải là sau khi hỏi xong về để chỗ, không tìm hiểu, nghiên cứu cũng như phân tích lại câu trả lời. Điều này sẽ khiến những câu trả lời những kiến thức bạn nhận được trở nên lãng phí và chỉ dừng ở đó mà thôi. Và bạn cũng sẽ chẳng thể nhớ lâu được khi bạn chỉ nghe câu trả lời chỉ mỗi thời điểm đó. Nếu có phần phải làm bài tập hay thực hành sau khi nhận được câu trả lời thì hãy cố gắng hoàn thành để có thể đặt được hiệu quả tối đa của lần hỏi bổ sung kiến thức nhé.

Đôi khi mình có gặp những trường hợp hôm trước hỏi rồi hôm sau lại hỏi lại ý chăng hay những câu trả lời tương tự hôm trước. Điều này cũng khiến cho người trả lời khó chịu và nghĩ rằng người này hỏi cho có, chứ không tìm hiểu và tiếp tục nghiên cứu sau khi hỏi. Hơn nữa những câu trả lời của đối phương có thể sai hoặc chưa đủ ý, khi mình về tiếp tục nghiên cứu và bổ sung thì mình tin chắc bạn sẽ lên trình rất nhanh mà thôi.

Kiên trì và nhẫn nại, có thể bạn không hỏi được người này, không hỏi được người kia, hay thời điểm này thời điểm kia nhưng hãy cố gắng kiên trì và chịu khó tìm kiếm câu trả lời bằng mọi hình thức. Đừng bỏ ngỏ đó rồi bạn cũng sẽ chẳng nhận được gì tiếp theo đâu.

Điều cuối cùng của bài viết này mình nói rằng: cứ hỏi đi, đừng ngại nhưng mà hỏi ngu là bị chửi ráng chịu nha.

Chúc bạn có được nhiều kiến thức mới thông qua những câu hỏi hay!
#ntechdevelopers