So sánh lập trình viên Hà Nội và Sài Gòn từ góc nhìn của bản thân

So sánh lập trình viên Hà Nội và Sài Gòn từ góc nhìn của bản thân

December 1, 2021 0 By Nam Vu

Thực ra về chủ đề này mình tính viết lâu rồi nhưng vì nghĩ có khi nào phân biệt vùng miền quá không nên cũng đắn đo.

Nói sơ qua một chút về bản thân thì mình là người gốc bắc, nhưng học đại học trong Sài gềnh, sau khi học xong thì cũng đi làm gần 3 năm trong đó, và cuối cùng vì một thế lực nào đó mình chuyển ra Hà thành làm việc. Tính đến nay cũng được gần 4 năm rồi.

Hơn nữa năm trước mình lại đi công tác trở lại Sài Gòn cũng 7-8 tháng, nói chung thì cách làm việc và nhịp sống trong đó vẫn như xưa, không có gì thay đổi.

Mình đề cập đến môi trường sống của bản thân phía trên để phần nào nói lên quan điểm của bài viết là mình đã và đang trải nghiệm khi làm việc trong ngành lập trình cả trong nam và ngoài bắc.

Được rồi cùng mình đi qua các khía cạnh so sánh nhé!

Về cơ hội việc làm

Người ta thường nói “Vào Nam lập nghiệp”, điều này thật đúng khi từng trước đến nay, không chỉ riêng ngành công nghệ thông tin của anh em chúng mình mà là gần như tất cả các ngành nghề. Thường người ra nói vào Nam để tìm việc, để lập nghiệp, để phát triển sự nghiệp, chứ ngoài Bắc chỉ toàn thấy tập kết của các chú bồ đội không hà. 

Nhà nước phát triển kinh tế tạo điều kiện rất nhiều cho khu vực phía Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất hay các khu công nghệ cao đều mọc lên rất nhiều ở miền trong. Vì vậy cơ hội việc làm trong đó thật sự rất lớn. 

Đi cùng với các ngành nghề khác thì ngành công nghệ thông tin từ các khu công nghệ cao, công viên phần mềm thì cũng có rất nhiều công ty IT tập trung trong Sài Gòn nên chắc chắn một điều là cơ hội việc làm trong này sẽ lớn hơn rất nhiều. Theo mình ước tính là gấp 3 lần so với Hà Nội.

Những năm gần đây thì nhà nước đã trả lại sự ưu ái cho Thủ đô và Đà Nẵng rồi nên các khi công nghệ cao 2 miền này bắt đầu mọc lên nhanh hơn và dày đặc hơn. Vậy nên yên tâm là nếu bạn có thực lực thì không sợ không có cơ hội việc làm nhé!

Về mức độ cạnh tranh

Không phải tự dưng Sài Gòn được gọi là hòn ngọc viễn đông, việc kích cầu phát triển kinh tế ở miền trong đã có từ xưa đến giờ. Sài gòn là chốn hoa lệ, ăn chơi thì chắc chẳng còn ai tranh cãi, nhưng nó đồng nghĩa với việc cuộc sống sẽ khắc nghiệt hơn, theo mình thấy sau khi phỏng vấn cả 2 miền rồi thì mức độ đòi hỏi ở Sài Gòn cao hơn Hà Nội (có thể tùy người phỏng vấn nữa). 

Việc cạnh tranh về nhân sự trong đó cũng cao hơn, người ngon đa số đều bị các công ty miền trong cướp hết rồi 😄 Đúng hơn là sự lựa chọn của họ. Đơn giản mức lương cạnh tranh các công ty trả trong Sài Gòn cao hơn Hà Nội. Nếu bạn đã từng làm việc trong Sài Gòn bạn sẽ thấy nếu công ty đối đãi với nhân viên lơ là một chút là có hàng tá công ty khác cướp người trắng trợn. 

Mặt bằng lương chung thì mình thấy trong Sài Gòn trả lương cao hơn ngoài Hà Nội khoảng 20%, ít nhất là đối với bản thân mình cùng một vị trí khi ra Hà Nội mức thấp hơn mới đắng lòng chứ.

Dạo gần đây các công ty trong Sài Gòn bắt đầu đổ dần ra Hà Nội, nên thường mức lương dần dần được cân bằng do cùng công ty chỉ khác chi nhánh nên công ty sẽ trả lương cân đối hơn, tuy rằng vẫn hơn.

Về sự chia sẻ và tư duy mở

Hồi còn mình ở trong Sài Gòn, mình tham gia rất nhiều các sự kiện, các buổi training, workshop, seminar của các diễn giả trong đó. Phải nói là người miền trong thích chia sẻ hơn so với ngoài này. Khi ra Hà Nội thì mình cũng đã tìm kiếm nhiều nhưng dường như các sự kiện chỉ đếm trên đầu ngón tay mà khoảng thời gian dài mới có một cái.

Không biết có phải là tư duy khép kín và giấu nghề không nữa nhưng mình cảm nhận được, anh em ngoài này không thích chia sẻ kiến thức bằng trong đó.

Về bản thân người học thì mình nhận thấy cái tôi của người miền Bắc cao hơn nên họ không xem trọng những kiến thức được chia sẻ, mặc dù miễn phí, lúc nào cũng đặt sự hoài nghi và khó lòng tiếp thu kiến thức của người khác hơn. 

Tất nhiên là mình không đánh đồng tất cả mọi người nhưng đó là những gì mình gặp và quan sát được.

Về phong cách làm việc

Cái này mỗi miền thì có một cái thú vị riêng, dân văn phòng, nếu ở trong Sài Gòn bạn không còn lạ gì những bữa cà phê sáng lê la chút, rồi 8-9h thì vào làm việc. Trong lúc làm việc thì họ tập trung cao độ, chỉ nói chuyện công việc thôi, có thể tăng ca cùng nhau, làm việc hết mình cùng nhau. Mình cảm giác như đang cháy hết mình cho công việc vậy. 

Thế rồi về tối thì dường như những con người đó thay đổi, họ cháy trong công việc rồi cũng cháy luôn ngoài bàn nhậu. Đúng với câu làm ra làm chơi ra chơi ý.

Bạn có thể nhìn thấy anh chị em công sở trong đó khi đi làm mặc sao cũng được, họ không quá quan trọng trang phục khi đi làm. Nhưng tối đến thì khác, ra đường thấy nhà nhà người người đẹp lồng lộn mà không ai nhận ra diện mạo của họ ban ngày chốn công sở.

Hà Nội lại khác, mình thấy anh chị em ngoài này thường để ý đến trang phục công sở, đúng chất lịch sự luôn tuy rằng nhiều công ty không bắt buộc nhưng vẫn có một tác phong gì đó đậm chất đi làm. 

Có những công ty bắt buộc thì thả của trang phục ngày thứ 6 thì nhìn như 2 người khác nhau so với ngày thường ý.

Ngoài này thì anh chị em ít đi cafe hơn, chỉ có cái hay ho là khoảng chiều chiều là rủ nhau trà đá vỉa hè dưới chân tòa nhà. 3 nghìn cốc trà đá chắc rẻ hơn cốc cafe trong đó. Họ uống tại chỗ và luyên thuyên đôi chút rồi lên làm việc, bựa xíu thì lên về luôn 😄 Trong khi Sài Gòn nếu ai uống lỡ cỡ vào thời gian làm việc họ thường mua mang lên vừa làm vừa uống.

Về tính cách con người

Bên trên thì mình cũng có nói 2 tính cách mình quan sát thấy đó là người miền trong cởi mở hơn còn người ngoài này có cái tôi cao hơn.

Thực sự khi chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội làm việc cùng anh chị em đồng nghiệp mình thấy không quen, chỉ muốn vào ngay lại trong đó, mặc dù mình là người gốc Bắc.

Khi làm việc, trong các cuộc họp luôn phải giữ ý, nói năng phải nghĩ trước nghĩ sau rất nhiều. Nói chuyện với sếp thì chắc phải uốn lưỡi 7 lần, mà kiểu như phải có trên có dưới có sếp có lính ý.

Khác hẳn với trong đó, làm gì nói gì, mình ít phải suy nghĩ trước sau lắm, chỉ cần không quá khó nghe là đều có thể góp ý cho nhau được hết, không phải giữ ý trên dưới. Kiểu như anh em bàn nhậu sếp kệ sếp, và luôn giúp nhau trong công việc cũng như cân kèo mồi.

Người ngoài này thì không sếp bao thì lính thi nhau dành trả, việc lấy lòng thì có lẽ ở đâu cũng có nhưng mà mình thấy trên bàn nhậu cứ bổ đầu người có khi lại hay. 

Một điều nữa là liên quan đến chính trị nơi công sở, có lẽ ngoài này sẽ nhiều hơn trong đó, tất nhiên là trong đó vẫn có nhưng mình thấy có vẻ ít hơn.

Về mức độ ăn chơi

Có lẽ thành kiến lớn nhất của người ngoài này đối với người Sài Gòn đó là ăn chơi, đua đòi. Mình thấy nó đâu phải xấu đâu. Khi guồng quay nhịp độ làm việc cao, khi làm hết mình thì chơi cũng phải hết sức, việc cung cầu tăng cao vậy nên mình thấy trong đó phát triển hơn là đúng rồi.

Nói đi cũng phải nói lại, người ngoài này trọng gia đình hơn, cứ đi làm về là chăm chăm về nhà ăn cơm nhà, có ai rủ nhậu rất khó khăn, họ có thể cà phê buổi trưa nhưng mà tối là luôn ưu tiên mọi thứ cho gia đình.

Các cuộc team building có lẽ là một điểm khá thú vị khi ngoài này thường thích đi du lịch hơn là đi nghỉ dưỡng như ở trong Sài Gòn, ít nhất đối với mình thấy vậy.

Khi hô hào đi chơi thì ngoài này sẽ chọn địa điểm du lịch trải nghiệm hơn là ăn nhậu tụ tập như trong Sài Gòn.

Thế đó, trải nghiệm của bản thân nên mình xin phép nêu ít nhiều quan điểm của lập trình viên 2 miền. Mình không có ý phân biệt vùng miền đâu nhé! Chỉ là thêm một góc nhìn mới cho anh em trong ngành.

Mình cũng có anh leader gốc Sài Gòn theo vợ ra Hà Nội lập nghiệp và mình cũng có anh đồng nghiệp đổi gió vào Sài Gòn lập nghiệp và chẳng hề có ý định trở ra luôn 😄

Nói đến đây anh nào nhột nhột thì thả comment cho em nhé!

Tóm lại dù miền nào cũng được, chỉ cần bạn có thực lực và cứ nỗ lực thì đều vui vẻ cả.

Chúc các bạn có cái nhìn mới về lập trình viên 2 miền

#ntechdevelopers