Integration Test là gì?

Integration Test là gì?

November 13, 2021 2 By Nam Vu

Tiếp tục bài viết về testing, đây là bài viết về Integration Test cấp độ cao hơn của Unit Test.

Cùng bắt đầu nhé!

Integration Test giữ vai trò vô cùng quan trọng trong kiểm thử phần mềm. Vậy, Integration Test là gì? Tại sao cần tiến hành loại kiểm thử này? Ở bài viết sau, chúng mình sẽ đề cập tới khái niệm và đưa ra một số phương pháp kiểm tra tích hợp, mời bạn tham khảo nhé.

Integration Test là gì?

Integration Test (Kiểm thử tích hợp) là một trong những giai đoạn vô cùng quan trọng trong kiểm thử phần mềm. Integration Test xảy ra ngay khi bước Unit Test (kiểm thử đơn vị) kết thúc.

Bất cứ một dự án phần mềm nào cũng bao gồm nhiều module được thực hiện bởi nhiều lập trình viên khác nhau. Mục đích của quá trình kiểm thử tích hợp đó là tìm kiếm và phát hiện ra những lỗi trong sự tương tác giữa các module phần mềm khi chúng được tích hợp với nhau.

Lý do cần tiến hành Integration Test là gì?

Mặc dù các module phần mềm đều phải trải qua giai đoạn Unit Test để phát hiện lỗi nhưng ta không thể bỏ qua kiểm thử tích hợp. Bước này sẽ kiểm tra xem khi từng module kết hợp lại có tương thích không, giúp đảm bảo dự án phần mềm không xảy ra lỗi ngoài ý muốn.

Các lý do bạn cần tiến hành kiểm thử tích hợp là:

– Mỗi module được thiết kế bởi nhiều lập trình viên khác nhau, cần tiến hành kiểm thử tích hợp để đảm bảo tính nhất quán của phần mềm.

– Khách hàng thường có những thay đổi bất chợt ở ngay tại thời điểm phát triển module. Trong rất nhiều trường hợp, những thay đổi ấy không được kiểm tra và khắc phục ở giai đoạn kiểm thử đơn vị trước đó.

– Sau khi tích hợp các module lại với nhau có thể xảy ra tình trạng không tương thích với cấu hình chung của hệ thống. Khi đó bạn cần phải tiến hành Integration Test để kiểm tra và xử lý.

Các phương pháp Integration Test hiệu quả nhất

Phương pháp Big Bang

Big Bang là phương pháp kiểm thử tích hợp thường được sử dụng cho những dự án nhỏ. Trong kiểm tra tích hợp Big Bang, tất cả những module sẽ được tích hợp và kiểm tra cùng một thời điểm. Tuy nhiên, phương pháp Big Bang cũng tồn tại khá nhiều nhược điểm như:

– Gặp khó khăn trong quá trình phát hiện ra bug.

– Những bug nhỏ có thể bị bỏ qua.

– Có khả năng xảy ra tình trạng các module bị cô lập trong quá trình kiểm thử.

– Khó theo dõi nguyên nhân thất bại.

Phương pháp Top Down

Top Down là phương pháp kiểm thử tích hợp từ trên xuống dưới theo dòng điều khiển của hệ thống phần mềm. Sử dụng phương pháp Top Down sẽ giúp việc tìm kiếm bug trong từng module dễ dàng hơn rất nhiều và có thể tìm được lỗi lớn trong các module được ưu tiên. Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp Top Down, ta cần rất nhiều Stubs, đồng thời khiến các module ở mức độ thấp hơn không được kiểm thử đầy đủ.

Phương pháp Bottom Up

Bottom Up là phương pháp kiểm thử tích hợp ngược lại so với phương pháp Top Down. Nhờ việc tiếp cận các module từ thấp lên cao, lập trình viên có thể dễ dàng phát hiện những lỗi cơ bản nhất của phần mềm, đồng thời tìm kiếm và khắc phục lỗi ngay cả khi không cần đợi các module tích hợp lại với nhau. Tuy nhiên, phương pháp Bottom Up có sẽ không giữ được nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống và có thể khiến module quan trọng của hệ thống xảy ra lỗi.

Nếu bạn muốn hệ thống phần mềm được vận hành theo đúng mong muốn và không xảy ra lỗi thì không thể xem nhẹ Integration Test. Do đó, hiểu rõ về Integration Test là gì và nắm chắc các phương pháp Integration Test sẽ giúp bạn làm tốt công việc kiểm thử phần mềm hơn.

Trên đây là những khái niệm cơ bản về Integration Test, hi vọng mới những khái niệm cơ bản này giúp bạn hiểu thêm về nghiệp vụ Testing trong quá trình phát triển phần mềm.

#ntechdevelopers