Mùa nhảy việc

Mùa nhảy việc

March 26, 2022 1 By Nam Vu

Người ta vẫn nghĩ rằng chỉ có thời tiết mới có mùa, xuân hạ thu đông, hay có những mùa đặc trưng mà con người lại suy ra từ những mùa thời tiết như vậy như mùa vụ hay mùa cưới. Trớ trêu thay, những người làm công ăn lương như chúng ta lại cũng có những cái tên mà đáng phải suy nghĩ hằng năm. Đó chính là “mùa nhảy việc”.

Ngày xưa, thời bố mẹ chúng ta luôn nghĩ rằng là làm nhà nước là ổn định, có những gia đình bắt con phải học vào quân đội hay công an bằng được chỉ vì 2 từ này. “Ổn định” một cụm từ mà tưởng rằng mơ ước giản dị cũng một tập người không nhỏ nhưng có khi lại tốn hàng mớ tiền của để chạy chọt vào cơ quan nhà nước vào biên chế để rồi đổi lấy mức lương lèo tèo kia ư. Hay họ hi vọng rằng vào đó sẽ có những đồng “lậu” bên cạnh cái gọi là mức lương cơ bản. 

Với mình thì mình đã nói lên suy nghĩ rất chi tiết ở bài viết này rồi “Ổn định không phải là làm mãi ở một nơi, mà đi đâu cũng làm được!

Quay trở lại với bài viết hôm nay thì mình sẽ phân tích thử tại sao nhảy việc cũng được tính như một mùa vậy.

Nếu bạn vẫn có suy nghĩ ổn định thì có lẽ bài viết này không dành cho bạn, và nếu bạn là nhà tuyển dụng hay là sếp của một công ty nào đó muốn giữ chân nhân tài thì có thể bạn cũng nên chú ý những khía cạnh mà mình đánh giá là nỗi lòng chung của anh em làm công ăn lương.

Đầu tiên mình xin đính chính là không phải chỉ có thời điểm này khủng hoảng dịch bệnh nhiều người mới có suy nghĩ đến chuyện nhảy việc hay không, mà từ xưa đến nay đã tồn tại những suy nghĩ nhảy việc theo đợt rồi và nó cũng được thống kê tại rất nhiều nguồn.

Trên vietnamworks có thống kê một số tháng mà nhân viên nhảy việc như sau:
– Tháng 1, 2: Nên cân nhắc chuyển việc trong 2 tháng đầu năm.
– Tháng 3, 4, 5: Thời điểm chuyển việc hợp lý nhất.
– Tháng 6, 7, 8: Không nên chuyển việc trong 3 tháng này.
– Tháng 9, 10: Cơ hội chuyển việc khá tốt.
– Tháng 11, 12: Đừng dại mà chuyển việc vào 2 tháng cuối năm.

Bạn thấy đó, theo vietnamworks đánh giá thì có 2 thời điểm nhảy việc ổn nhất đó là sau tết và khoảng tháng 9, 10. Vì sao lại vậy?

Đầu tiên thì mình phải nói đến lý do nhảy việc đã, không phải tự nhiên mọi thứ đều tốt mà một nhân viên lại suy nghĩ đến chuyện nhảy việc cả.

Thứ nhất, lương thưởng chính là chìa khóa đầu tiên để một nhân viên đưa ra quyết định. Đủ sống đủ tồn tại, mọi thứ được trả công xứng đáng với những gì họ cống hiến thì có lẽ họ đã không dao động trong suy nghĩ rồi. Vẫn biết là phải hiểu cho công ty phải từ từ, phải chứng minh năng lực. Nhưng mọi thứ là win-win, họ bán sức lao động kể cả về mặt trí óc hay tay chân thì họ cũng xứng đáng được hưởng những gì họ tạo ra. Một nhân viên có thể nhẫn nại để cống hiến cho công ty có thể một hai năm nhưng có lẽ họ sẽ đặt câu hỏi cho những năm sau đó nếu những mức thu nhập không cân xứng với những gì họ đóng góp.

Thứ hai, nhân viên không còn thấy cơ hội phát triển thêm nữa. Con đường phía trước mịt mờ tối tăm quá, điều này thì họ thường quan sát những nhân viên kỳ cựu trong công ty hay mức độ và tiềm nằng phát triển của công ty có hay không. Shark Hưng nói một điều mà mình thấy khá đúng đó là không phải chỉ mỗi Lương là giữ chân được nhân viên.

Thứ ba, văn hóa làm việc trong công ty, đồng nghiệp, sếp có hòa đồng. Đôi khi văn hóa công ty sẽ bị thay đổi khi cơ quan đầu não cũa công ty định hướng thay đổi quá nhanh, hay đơn giản là ông sếp bị thay, ông sếp mới thì không được như người cũ, rồi dự án quá chán nản, đồng nghiệp khó làm việc chung. Đây cũng là một trong những lý do mà khiến cho nhân viên không còn thấy phù hợp để ở lại nữa.

Khi biết nguyên nhân của những suy nghĩ nhảy việc rồi thì cùng mình đánh giá thử xem những chiêu bài của nhân sự để có thể giữ chân nhân viên nhé!

Ngoài những giải pháp để khắc phục tận gốc 3 nguyên nhân trên thì nhân sự thường có những thủ thuật riêng vì đơn giản giải pháp cho 3 vấn đề trên không phải một sớm một chiều và có tốn khá nhiều chi phí, dù sao công ty cũng phải nghĩ làm sao có lợi cho mình thôi. Ai cũng vậy mà.

Phòng nhân sự thì có những thủ thuật riêng nhưng mình thấy có một số giải pháp mà họ thường đưa ra ảnh hưởng đến suy nghĩ và thời gian nhảy việc.

– Chuyển bộ phận hay dự án cho nhân viên đó, giúp họ thay đổi không khí và môi trường nhỏ xung quanh họ.

– Thăng chức, lên level, sub-level vị trí của nhân viên có năng lực.

– Giam thưởng của nhân viên đó. Có lẽ đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến thời gian nhảy việc bên trên. Ví dụ như thưởng tết sẽ nhận vào tháng 2, sau tết sau khi nhận thưởng thì những nhân viên có suy nghĩ nhảy sẽ có sự cân nhắc cao. Hay thưởng dự án sẽ vào giữa năm tháng 5, 6 và review tăng lương sẽ vào tháng 8. Cứ sau những đợt đó, khả năng nhảy việc sẽ tăng cao vì họ không có được những sự kỳ vọng mà họ phải chờ đợi ở khoảng thời gian trước đó.

– Thưởng treo, ngoài thưởng chung cho phần đông nhân viên ra thì để giữ chân được những người giỏi họ sẽ treo một khoản thưởng kiểu như làm đủ 3 hoặc 5 năm xuất sắc sẽ nhận được một khoản tiền thưởng nào đó.

– Hỗ trợ kèm điều kiện. Một số công ty sẽ có những danh mục cho nhân viên đi học, được đào tạo, hay hỗ trợ mua nhà, vay vốn này kia kèm theo điều khoản phải làm tối thiểu bao nhiêu năm cho công ty. Đây cũng là một cách giữ chân thường thấy.

Khi hiểu được những cách thức giữ chân nhân viên, mình thấy rằng điểm chung là họ sẽ nhắm tới những người có thực lực. Vậy nên để có được quyền tự quyết mà không phải đắn đo bất cứ điều gì khi muốn nhảy việc. Đơn giản bạn phải tạo nên giá trị của bản thân mình trước đã. Khiến mình đáng tiền sẽ là một từ khóa mà bạn phải lưu tâm.

Còn đối với bản thân mình thì mình sẽ tự đặt cho mình 3 câu hỏi trước khi suy nghĩ đến chuyện nhảy việc.

– Giá trị của bản thân có còn được ghi nhận => Mức lương thưởng có đáng với những gì mình bỏ ra hay không?

– Sự tự tin của bản thân có đang dần tan biến => Môi trường làm việc có đang bị ảnh hưởng, mình có đang rơi vào vùng an toàn của bản thân hay không?

– Nếu ngày mai được offer vào đúng vị trí của sếp bạn thì bạn có sẵn sàng => Cơ hội phát triển và khả năng đáp ứng được với cơ hội đó có hay không?

Sau khi trả lời 3 câu hỏi này mình sẽ cân nhắc, và lên kế hoạch. Với bản thân mình thì trước khi quyết định mình thường để ra một khoản tiền để có thể thất nghiệp vài tháng mà mọi thứ không vấn đề gì. Lúc đó sự tự tin khi nhảy việc sẽ cao hơn và bạn cũng có thể tự tin chọn lựa công việc mới kỹ lưỡng hơn. Đừng để cơm áo gạo tiền ảnh hưởng đến quyết định đi làm công ty mới được một hai tháng rồi nghỉ. Như vậy cũng không hay cho cả bạn và công ty mới.

Trên đây là những chia sẻ của bản thân về cái được gọi là “mùa nhảy việc”, hi vọng góc nhìn của mình có thể giúp các bạn có thêm những lý do và câu hỏi tự vấn trước khi quyết định. Bài viết có chút bóc mẽ phòng nhân sự một chút, mong rằng mấy chị nhân sự công ty mình lượng thứ nhé!

Thân ái!

#ntechdevelopers