Luật thay thế – Tàn nhẫn nhưng thực tế

Luật thay thế – Tàn nhẫn nhưng thực tế

October 9, 2023 0 By Ntech Developers

Nguyên tắc của một công ty là bất kể ai cũng có thể thay thế được. Câu nói này nghe rất là tàn nhẫn nhưng nó lại là sự thật. Đây có lẽ một bài viết nhắc nhở chính bản thân mình trong thời gian này. Hi vọng quan điểm và bài học từ bản thân mình có thể giúp các anh em khác có những góc nhìn mới, quan điểm mới và có thể tránh được những sai lầm trong công việc.

Khi ra trường, mình cũng như bao sinh viên bình thường khác, cũng cố gắng từng ngày để có thể phát triển bản thân cũng như tích lũy những kiến thức mà mình cho là hành trang để có thể đáp ứng những yêu cầu của công ty. Khi này, do tâm thể là một người vừa làm vừa học nên mình cũng không quá để ý những sự thay đổi về mặt nhân sự của các công ty hay lý do tại sao họ chọn người này, bỏ người kia. Chỉ hiểu đơn giản, học hỏi và tích lũy là đắp vào chính bản thân mình mà thôi.

Khi đi làm được một vài năm, có một chút kinh nghiệm cũng như kiến thức gọi là tàm tạm thì mình bắt đầu quan sát, ngoài quá trình học hỏi ra thì mình quan sát cách làm việc cũng như thái độ trong công việc của các đàn anh đàn chị đi trước. Nhắm mục đích có thể một phần nào đó tìm ra con đường mà mình mong muốn. Career path của chính bản thân lúc đó mới thực sự được định hình, mặc dù vẫn hơi mơ hồ trong cách thức triển khai và thực hiện nhưng phần nào mường tượng ra được hình mẫu mình muốn trở thành cho bản thân trong cái nghề quần què được gọi là vua của mọi nghề này. 

Khi kinh nghiệm dày hơn một chút, cũng định hướng được từng bước đi lên theo lộ trình mình đã vạch ra, nắm được những công nghệ nào, những kỹ năng nào mình đã, đang và sẽ cần phải cải thiện. Tại thời điểm này mình lại có góc nhìn về môi trường thăng tiến để có thể phát triển lâu dài hơn một chút. Mình bắt đầu quan sát các công ty trên thị trường, đánh giá sơ bộ và chọn cho mình những lý do nên ở lại hay nên nhảy việc ở công ty hiện tại. Trước đó có cơ hội làm việc với anh chị cấp cao thì nhận thấy trình độ cũng như thái độ của họ với một công ty cũng rất khác, kiểu cống hiến hết mình, khi này tưởng rằng thái độ cũng nằm trong hình mẫu của bản thân nên cũng ra sức cố gắng. Rồi một ngày chợt nhận ra, chỉ cố gắng thôi chưa đủ, cần phải thể hiện ra bên ngoài nữa. Đây có thể coi là một điểm bước ngoặt của bản thân như đường lối chính sách của đảng chuyển giao thời bao cấp vậy. Có một anh leader đi trước chia sẻ với mình rằng công ty có thể nhìn ra được năng lực của em thật đó nhưng mà con khóc mẹ mới cho bú, việc em không đề xuất, làm rõ KPI cũng như từng điểm trong quá trình check point đánh giá trước mỗi kỳ review hay không la làng lên khi đòi tăng lương cùng với những dẫn chứng rõ ràng trong việc tăng lương đó thì sẽ không công ty nào tự nhiên đề bạt tăng lương cho em đâu.

Thật sự giác ngộ dần theo từng năm tháng và hiện giờ mình đang có những bài học khác cho bản thân khi bước lên một vị trí mới ở một công ty mới sau suốt quá trình quan sát và học hỏi cũng như tích lũy kinh nghiệm trước đó. Như tiêu đề mình đã nhắc đến đó là luật thay thế. Ở công ty hiện tại, mình nhận ra rằng ai cũng có thể thay thế, mọi vị trí, mọi level. Làm được việc là một chuyện, nhưng có nhiều câu chuyện đằng sau chuyên môn cũng như năng lực của mỗi người mà mình có thể chia sẻ với mọi người ở một bài viết khác. Quay lại câu chuyện luật thay thế, bản chất doanh nghiệp có rất nhiều cách để xử lý vấn đề nhân sự ra vào công ty những như những người nào có năng lực nhưng thái độ làm việc không tốt, cách huy động được nguồn lực và chiến lược của mỗi công ty có thể khác nhau nhưng suy cho cùng họ luôn có những phương án dự phòng khi một người có ý định ra đi.

Luật lao động rồi hợp đồng cũng có ghi, một hợp đồng có thời gian thì 30 ngày báo trước, vô thời hạn thì là 45 ngày. Đây chính là khoảng thời gian bàn giao những công việc hiện tại, và phía công ty cũng vậy, với khoảng thời gian này họ có thể sắp xếp nhân sự thay thế và các phương án dự phòng khi một người nào đó xin nghỉ.

Ví dụ rằng một người chủ chốt của công ty dù rằng có nhiều kỹ năng cao, trình độ tốt đến đâu đi chăng nữa, nếu cho rằng  bản thân không thể thay thế thì có lẽ chính bản thân người này nên phải xem xét và cân nhắc lại. Ở đây, với trường hợp của người này, có thể khó thay thế và thời gian cũng như chi phí tìm người thay thế là trong bao lâu mà thôi. Công ty sẽ có một số phương án giải quyết phổ biến như: 

– Tạm thời hòa hoãn, đáp ứng nhu cầu người kia một thời gian ngắn. Rõ ràng rằng không ai giữ chân một người muốn rời đi. Nói đến đây thì ai mà dùng kế dọa nghỉ thì nên xem xét lại nhé. Và chắc chắn một điều một khi người muốn thì dù có cố giữ cũng khó có thể được lâu, nên đây có thể là một phương án cấp bách và tạm thời trước mắt dù rằng chi phí xử lý không đáng kể. 

– Đưa người bên dưới trực tiếp của người đó lên, có lẽ đây là cách thường làm nhất. Đơn giản giản rằng người bên dưới đã trực tiếp cùng làm với người kia một thời gian rồi, cách làm việc, quy trình làm việc, vận hành đã nắm rõ. Cho dù skill của người bên dưới này có non hơn một chút xíu thì người ta cũng có thể nhanh chóng thích ứng một cách nhanh nhất và tốn ít chi phí nhất trong trường hợp này.

– Có thể giao công việc đó cho những người ở bộ phận khác và trình độ tương tự như vậy. Đây cũng là một cách điều chuyển nhân sự mà các công ty hay dùng, bộ phận điều phối nhân sự là bộ phận đảm nhận những vấn đề này. Họ sẽ cân đối ngân sách cũng như skill giữa người mới và người cũ có thể phân công. Nên chi phí bỏ ra cho vấn đề này cũng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

– Tìm một ứng viên thay thế trên thị trường. Nếu công ty muốn tìm một người mới thay thế thì chắc chắn sẽ tìm được thôi vì trên thi trường rất là rộng. Vấn đề là rate lương lúc này sẽ cao hơn vì tính cấp thiết, nếu công ty sẵn sàng trả thì có lẽ vẫn tuyển được thôi. Cứ xx rate lên là vấn đề được giải quyết, nhưng dù vấn đề có người thì thời gian thích ứng chắc cũng mất thêm ít thời gian dài ngắn, đây cũng được coi là một loại chi phí bỏ ra tạm thời.

Ở bài viết trước đây (Thà trả người mới lương cao còn hơn tăng lương cho người cũ) mình cũng đã đề cập đến những cách mà công ty giữ chân nhân viên, nhưng đừng nghĩ rằng họ sẽ bất chấp hết tất cả để giữ bạn bẳng mọi giá cho giúp bạn có tầm quan trọng đến đâu trong công ty đi nữa. Nhưng khi công ty, nhất là công ty làm dịch vụ mà không phải sản phẩm, họ có thể chọn lựa để chấp nhận tiếp tục giữ chân người có năng lực và họ thường sẽ làm tất cả mọi cách trong khả năng để duy trì mối quan hệ tốt đẹp win-win này. 

Đây là bài viết theo mạch cảm xúc nên có thể có đôi chỗ viết lủng củng và chỉ mang tính nhất thời, nhưng tất cả những trải nghiệm này mình xin notes lại cho chính bản thân mình là chủ yếu để có những bài học cho bản thân của cuộc sống ngành IT.

Thân ái!

#ntechdevelopers