Cách mà tôi học một công nghệ mới

Cách mà tôi học một công nghệ mới

March 20, 2021 4 By Ntech Developers

Là một lập trình viên chắc hẳn ai cũng từng phải học hay tiếp cận một công nghệ mới. Nếu công nghệ đó có người đi trước dẫn lối thì chúc mừng bạn, bạn đã là người may mắn. Nếu công nghệ hoàn toàn mới với công ty cũng như bản thân bạn thì bạn phải trải qua một cảm nhận không mấy dễ chịu. Nhưng mà yên tâm đi sau khi bạn có thể làm chủ được công nghệ qua quá trình tự học này thì kiến thức và trình độ của bạn đã đạt tới một cảnh giới mới.

ntechdevelopers

Vấn đề chẳng có gì để nói khi bạn có thời gian tìm hiểu và thực hành một điều gì mới. Vấn đề là thời gian bạn có rất ngắn, nhiều thì bạn có 3 ngày đến 1 tuần. Ít thì bạn chỉ có 1 ngày để bắt đầu làm với nó. Đến đây có lẽ bạn bắt đầu sợ rồi đúng không. 

Bản thân mình với công nghệ power platform ở bài viết trước mình chỉ có duy nhất một buổi chiều với nó. Vì là công nghệ mới và khá ít tài liệu, cộng động lại không có nhiều nên mình gặp khá nhiều khó khăn. 

Dưới đây là một số tips mà mình ngộ ra được trong quá trình học một công nghệ mới, hi vọng có thể giúp ích được các bạn trong quá trình tự học một cách nhanh và hiệu quả nhất nhé!

Đầu tiên, chỉ với một keyword công nghệ mình thường search google với từ khoá đó dưới dạng hình ảnh. Từ một người chưa biết gì sau khi tìm kiếm hình hảnh mình bắt đầu mường tượng nó là cái gì, những stack công nghệ liên quan đến từ khoá đó, nó giúp tôi hình dung được cái nhìn tổng quát và các mối tương quan của một công nghệ mới nào đó.

Từ cái hình dung về công nghệ với hình ảnh ở trên mình bắt đầu tìm đến sách, hoặc tìm kiếm các trang document chính thức của công nghệ đó (thường một công nghệ nào ra mắt sẽ đều có tài liệu chính quy liên quan. Mục đích lúc này không phải là học từ A tới Z với đống tài liệu đó mà là mình xem phần mục lục. Thường mình sẽ đọc một hết một lượt mục lục và ghi chú lại toàn bộ mục lục đó nhằm định hướng được thứ tự học trước học sau của một công nghệ. Với bước này mình thường dùng mind map để ghi chú, nó giúp mình có cái nhìn tổng quan nhất về công nghệ mà mình hướng đến. Một bức tranh toàn cảnh sẽ giúp bạn nắm được công nghệ này một cách nhanh nhất có thể, hơn nữa nó còn giúp bạn xâu chuỗi các kiến thức mà bạn sẽ học tới đây.

Tiếp đến sau khi ghi chú lại những danh mục theo thứ tự học rồi thì giờ mình sẽ đọc lướt một lượt nhằm mục đích nhặt ra những từ khoá và định nghĩa quan trọng của công nghệ đó. Thường muốn nắm được một công nghệ bạn phải hiểu được những mảnh ghép nhỏ trong công nghệ đó, và bước này sẽ giúp bạn nhặt và hiểu được từng mảnh ghép nhỏ trong một bức tranh tổng quát trên. Với mỗi từ khoá mình tìm được mình tiếp tục ghi chú lại và tiếp tục search google với từ khoá nhỏ như vậy nhằm hiểu thêm rõ ràng hơn về mảnh ghép nhỏ này. Đọc đến đây bạn có thể hình dung với việc chia để trị, chia nhỏ kiến thức lớn thành những kiến thức nhỏ hơn và tiếp tục một vòng lặp với những kiến thức nhỏ này trước. Với điểm này nếu bạn có hỏi một ai đó cũng sẽ dễ dàng hơn, bạn có bức tranh tổng quát ở bước 1, bạn có lộ trình và trình tự học ở bước 2, bạn có ngữ cảnh và những mảnh ghép nhỏ ở bước 3, khi này việc đặt câu hỏi của bạn sẽ sát sườn hơn và làm cho người trả lời cũng dễ dàng có thể giúp bạn hơn.

Được rồi, sau khi tìm hiểu nhanh những mảnh ghép nhỏ trong công nghệ rồi thì vấn đề bây giờ là bạn phải thực hành. Do mình không có nhiều thời gian để tìm hiểu một công nghệ nên đến bước này mình sẽ có 3 cách, một là mình làm một ứng dụng nhỏ để hiểu cú pháp, quy trình, cách chạy, cách thức vận hành, cách deploy lên môi trường nào đó; hai là mình sẽ lên xem những đoạn video ngắn hướng dẫn cách hoạt động của công nghệ; ba là mình sẽ tìm những mã nguồn mở liên qua đọc và chạy thử trên môi trường của mình. Đôi lúc mình kết hợp cả ba cách này một cách linh hoạt để có thể tiết kiệm thời gian nhất. Đây là một bước quan trọng, học bất cứ cái gì mà bạn không thực hành với nó thì sẽ chẳng đi đến đâu, ở đây mình đang đề cập đến việc học trong thời gian ngắn, còn nếu bạn có thời gian dài hơn, mình nghĩ các bạn nên thực hành thật kỹ những lý thuyết mà bạn đã học từ đó tự chiêm nghiệm lại cho bản thân mình. 

Dưới đây là 4 bước trong quá trình nếu bạn được coi là hoàn thiện một công nghệ nhé, đừng vội tự tin mình làm chủ công nghệ khi chưa trải qua đủ 4 bước này.
– Nền tảng (Fundamentals)
– Kiến thức (Information)
– Kỹ năng (Skills)
– Nâng cao (Innovation)

Với mình trong quá trình học và sử dụng một công nghệ mình thường ghi lại những gì mình tìm hiểu được, những lỗi và cách fix hay những tips tricks thông qua các bài viết trên blog nhằm mục đích nhớ lâu hơn và có thể tra cứu lại được, hơn nữa có thể chia sẻ cho những bạn đang và muốn học có thể tiếp cận một cách hiệu quả hơn nữa. 

Dù sao thì cộng đồng lập trình nói chung và những người đang bán thân nói riêng thì buôn có bạn bán có phường, chúng ta luôn phải tự tạo cho bản thân một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm với những công nghệ mới. Không chỉ đơn thuần là cùng nhau học, mà là khi xử lý lỗi phát sinh trong quá trình phát triển phần mềm cũng dễ dàng hơn. Bạn thấy đó, những công nghệ mà cộng đồng càng lớn thì công nghệ đó càng được đánh giá cao và phát triển rất nhanh. 

Trên đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về quá trình học một công nghệ mới nào đó. Hi vọng bài viết có thể giúp ích được phần nào cho các bạn trong quá trình học bơi giữa một đại dương kiến thức. 

Hãy nhớ rằng, kiến thức là vô tận, hãy cùng nhau phát triển nhé!

#ntechdevelopers