
Làm thế nào để lead một team toàn senior developers
May 2, 2025Một trong những trách nhiệm của người leader về kỹ thuật là hỗ trợ đồng đội phát triển bản thân.
Xây dựng một đội ngũ hiệu suất cao với những kỹ sư giàu kiến thức và kinh nghiệm nên là mục tiêu tối thượng của một nhà quản lý. Nhưng điều này cũng đi kèm với một nỗi sợ hãi (Mình đã được hỏi câu này nhiều lần trong các buổi đàm đạo với các anh em techlead):
“Nếu họ giỏi và thông minh hơn mình thì sao? Làm sao mình có thể quản lý họ được?”
Trong bài viết này, mình chia sẻ một số thủ thuật và tài liệu cuốn Practical Engineering Management giúp bạn dẫn dắt một nhóm kỹ sư cao cấp với kỹ năng kỹ thuật mạnh và kinh nghiệm phong phú, những người mà bạn không thể quản lý theo kiểu ra lệnh và kiểm soát.
Gốc từ của từ “Quản lý” (Management)
Theo Wikipedia, từ “manage” (quản lý) trong tiếng Anh bắt nguồn từ động từ “mesnager” (tiếng Pháp thế kỷ 15), thường được dùng trong bối cảnh cưỡi ngựa, mang ý nghĩa “nắm dây cương trong tay”. Cũng tương tự là “maneggiare” trong tiếng Ý hay “manejar” trong tiếng Tây Ban Nha — tất cả đều bắt nguồn từ tiếng Latin: manus (bàn tay) và agere (hành động). Việc “nắm dây cương” nghe có vẻ hơi quá đà, nhưng thật ra phản ánh đúng bản năng quản lý ban đầu của nhiều kỹ sư mới lên làm quản lý.
1. Làm thế nào để lead đội nhóm kỹ sư giỏi?
Là technical leader, công việc của bạn ít thiên về quản lý con người, mà nhiều hơn là quản lý skills, tiềm năng và sự phát triển của họ. Dưới đây là bốn cách hiệu quả:
Quản lý thông qua kỳ vọng
Thay vì chỉ đạo cụ thể, hãy truyền đạt những điều bạn mong đợi:
- Mong đợi đội ngũ giải quyết vấn đề cụ thể.
- Mong đợi kỹ sư chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ (giám sát hệ thống, cập nhật, v.v.).
- Mong đợi đạt được các yêu cầu như chất lượng, hiệu năng, KPI,…
Khi đó, bạn trao quyền cho đội nhóm để tự quyết định cách làm tốt nhất.
Khi đánh giá hiệu suất, hãy xét đến 3 yếu tố chính:
- Kỹ năng (Skills): cả kỹ năng cứng và mềm
- Tác động (Impact): kỹ năng có đang được dùng đúng chỗ không
- Thái độ (Attitude): sự chủ động, cởi mở, sẵn sàng học hỏi
Quản lý thông qua vấn đề cần giải quyết không phải giải pháp có sẵn
Một lỗi phổ biến là nhảy vào giải pháp trước khi hiểu vấn đề. Khi bạn đưa ra sẵn giải pháp cho người giỏi, bạn tước đi cơ hội sáng tạo và tư duy của họ.
Thay vào đó, hãy cùng họ khám phá:
- Vấn đề là gì?
- Dữ kiện nào liên quan?
- Nguyên nhân gốc rễ?
- Ai bị ảnh hưởng?
- Có nên giải quyết không? Có phù hợp chiến lược không?
- Các phương án giải quyết? Phương án tối ưu?
- Triển khai giải pháp
- Các chỉ số thành công có được xác định và đạt được chưa?
Đây là framework 8 bước giải quyết vấn đề mà tác giả đã phát triển (tham khảo sách Are Your Lights On?).
Quản lý thông qua mục tiêu và sứ mệnh
Câu nói chủ đạo: “Vai trò của công nghệ trong công ty sản phẩm là giải quyết vấn đề cho khách hàng.”
Bạn cần đảm bảo anh em technical không chỉ “xây tính năng theo yêu cầu” mà còn là thành phần cốt lõi trong quá trình khám phá sản phẩm, triển khai và duy trì sau ra mắt. Đánh giá họ không phải theo task hoàn thành, mà theo kết quả đạt được.
Có thể xác định mục tiêu đội nhóm dựa vào 4 yếu tố:
- Tăng trưởng
- Mở rộng
- Sự hài lòng của khách hàng
- Tối ưu chi phí
Quản lý thông qua nguyên tắc
Tầm nhìn và sứ mệnh thường quá khái quát. Các nguyên tắc hành động cụ thể giúp đội ngũ tự chủ trong quyết định, đồng thời vẫn giữ được sự đồng bộ với tổ chức.
Ví dụ:
- Google: “Tập trung vào người dùng, mọi thứ khác sẽ theo sau.”
- Amazon: “Làm việc ngược từ nhu cầu khách hàng.”
- Netflix: “Căn chỉnh mục tiêu chặt chẽ, nhưng thi hành độc lập.”
Nếu công ty bạn chưa có nguyên tắc rõ ràng, hãy bắt đầu xây dựng nguyên tắc cho đội của bạn.
2. Các kỹ năng dẫn dắt bổ sung
Đặc điểm của các techlead hiệu suất cao (theo sách Accelerate):
- Có tầm nhìn
- Giao tiếp truyền cảm hứng
- Kích thích tư duy
- Hỗ trợ và dẫn dắt
- Ghi nhận cá nhân
1:1 — Công cụ lãnh đạo thiết yếu
Đây là nơi bạn:
- Biến những khái niệm trừu tượng thành hành động cụ thể
- Hỗ trợ phát triển cá nhân cho từng thành viên
- Kết nối mục tiêu chiến lược với công việc hàng ngày
- Xây dựng văn hóa tổ chức
Trên trang Practical Engineering Management có tài liệu hướng dẫn tổ chức 1:1 hiệu quả, đặc biệt là 10 buổi đầu tiên cho techlead mới.
Bài viết này nhằm giúp bạn dẫn dắt những anh em technical leader giỏi hơn mình ở nhiều khía cạnh. Bạn có thể đọc và tham khảo thêm tại practicalengineering.management. Mình cũng chỉ một thời gian ngắn đảm nhiệm vai trò quản lý và làm việc cùng với các anh em technical leader khác. Có lẽ mình cũng cần cải thiện rất nhiều trong thời gian tới. Cuốn sách mình đọc được và đúc kết ra bài viết này hi vọng có thể giúp anh em khác với vai trò như mình hiểu được phần nào.
Cảm ơn các anh em đã đọc đến đây!